Gia đình riêng Gia_đình_Hồ_Chí_Minh

Hôn nhân

Tăng Tuyết Minh.Minh Khai (1910-1941)

Cho tới nay[khi nào?] chưa có một tài liệu chính thức từ phía nhà nước Việt Nam nhắc đến việc Hồ Chí Minh đã từng kết hôn. Bản thân Hồ Chí Minh cũng nhiều lần khẳng định ông chưa từng có vợ. Tuy nhiên, theo nghiên cứu của một số sử gia tại Hoa Kỳ, Pháp, và Trung Quốc, trong thời gian ở Quảng Châu, ông đã kết hôn với một thiếu nữ Trung Quốc tên là Tăng Tuyết Minh vào ngày 18 tháng 10 năm 1926 và sống với nhau cho đến khi ông rời Quảng Châu, vào khoảng tháng 4 hoặc 5 năm 1927, từ đó hai người không bao giờ còn gặp lại nhau[13][14]. Theo nhà ngoại giao Trung Quốc Lý Đồng Thành, sau khi trở thành Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Hồ Chí Minh đã tìm Tăng Tuyết Minh thông qua tổ chức Đảng Cộng sản Trung Quốc và cơ quan ngoại giao Việt Nam tại Trung Quốc nhưng không thành công do sự phản đối của một số Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Lao động Việt Nam, đặc biệt là Lê Duẩn với lý do Hồ Chí Minh được nhân dân xem là cha già dân tộc, nên việc đoàn tụ với Tăng Tuyết Minh sẽ làm ảnh hưởng đến hình tượng của Hồ Chí Minh và sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước.[15] Tuy nhiên, về vấn đề Tăng Tuyết Minh, nhà nghiên cứu Sophie Quinn-Judge có ý kiến dè dặt hơn vì vào thời kỳ đó, đôi khi một cuộc hôn nhân diễn ra chỉ đơn thuần vì lý do chính trị, theo đó Hồ Chí Minh và Tăng Tuyết Minh đã sống chung với nhau như một cách ngụy trang để duy trì các hoạt động chính trị của họ.[16]

Cũng theo Sophie Quinn-Judge, nếu căn cứ theo các tài liệu từ văn khố của Đệ Tam Quốc tế từ năm 1934 đến 1935 Nguyễn Thị Minh Khai có nhận mình là vợ của Hồ Chí Minh vào thời điểm năm 1931. Khi Nguyễn Thị Minh Khai đến Moskva cuối năm 1934, bà đã viết rằng bà đã có gia đình với "Lin", bí danh của Hồ Chí Minh vào thời điểm này.[17] Tuy nhiên, trong một cuộc phỏng vấn của đài Ban Tiếng Việt BBC, Sophie Quinn-Judge cũng nói thêm rằng mình "không biết chắc liệu đây có thuộc về dạng hôn nhân thật sự hay không" vì trong các thư từ của họ thường sử dụng nhiều loại mật mã, và nói chung những người hoạt động cách mạng có thể xem là "thuộc về một thế giới khác, vượt khỏi các khuôn khổ đạo đức bình thường" nên khó mà biết rõ cách thức hoạt động của họ.[16] Ngoài ra, Sophie Quinn-Judge cũng tìm ra một bức thư mà Nguyễn Thị Minh Khai viết vào năm 1933, trong đó Nguyễn Thị Minh Khai khẳng định rằng mình không hề bị vướng bận bởi chuyện chồng con, vì "người chồng" duy nhất của bà chính là sự nghiệp Cách mạng.[17]

Năm 1945, Hồ Chí Minh nói với nhà báo Harold Isaacs rằng ông cô đơn, không có gia đình, không có gì cả nhưng đã từng có một người vợ[18]. Nhưng trong nhiều cuộc gặp mặt khác, Hồ Chí Minh nhiều lần khẳng định ông không có vợ và sẽ không lấy vợ cho đến lúc dân tộc Việt Nam toàn thắng, thống nhất đất nước.[19][20][21][22]. Trong một buổi tiệc ở Bắc Kinh vào tháng 8 năm 1959, Hồ Chí Minh cũng đã tuyên bố với quan khách: chừng nào miền Nam chưa được giải phóng, ông sẽ không bao giờ kết hôn. Ngoài ra, ông cũng đã nhiều lần khẳng định sẽ không kết hôn cho đến khi cách mạng Việt Nam thành công.[15]

Trong các thư từ, ông cũng nhiều lần khẳng định rõ ông là người không có gia đình riêng và không có con cái. Chẳng hạn như trong thư gửi bác sĩ Vũ Đình Tụng khi nghe tin con trai ông này hi sinh:

“ Ngài biết rằng tôi không có gia đình, cũng không có con cái. Nước Việt Nam là đại gia đình của tôi. Tất cả thanh niên Việt Nam là con cháu tôi. Mất một thanh niên thì hình như tôi đứt một đoạn ruột.[23] ”

Những người con đỡ đầu

Bức chân dung của chính mình được Hồ Chí Minh đề tặng cho cô con gái nuôi Babette với dòng chữ tiếng Pháp được tạm dịch "Gửi một cái hôn lớn cho con gái đỡ đầu bé nhỏ Babette. Cha đỡ đầu của con. Hồ".

Sinh thời, Hồ Chí Minh có ba người con đỡ đầu ở Pháp, Đức và Nga. Ngày 27 tháng 7 năm 1946, trong buổi chiêu đãi chúc mừng Hồ Chí Minh sang thăm Pháp do Việt kiềuPháp tổ chức tại vườn hồng Bagatelle trong lâu đài Bá tước Artois bên rừng Boulogne, ông Raymond Aubrac, cựu ủy viên Cộng hòa thành phố Marseille và là nghị sĩ Quốc hội Pháp được giới thiệu với Hồ Chí Minh. Aubrac mời Hồ Chí Minh về thăm nhà mình và ông đã vui vẻ nhận lời và đến ngày 28 tháng 7 thì chuyển đến ở nhà ông Aubrac. Ngày 15 tháng 8, bà Lucie Aubrac sinh hạ bé gái Elizabeth Aubrac. Hồ Chí Minh đã đến bệnh viện phụ sản Bodeloque, đại lộ Port Royal, Quận 5, Paris thăm bà Lucie Aubrac. Tại đây ông đã xin phép ông bà Aubrac nhận làm cha đỡ đầu của bé Elizabeth Aubrac và gọi thân mật cháu là Babette.[24][25] Ngày 21 tháng 7 năm 1967, giáo sư Raymond Aubrac cùng với giáp sư Herbert Marcovic sang Hà Nội gặp gỡ các nhà lãnh đạo Việt Nam Dân chủ Cộng hòa để chuyển một thông điệp của Tổ chức chống chiến tranh hạt nhân (Prugwash) nhằm tìm kiếm một giải pháp cho vấn đề Việt Nam. Trong buổi tiếp hai ông tối 24 tháng 7, Hồ Chí Minh đã hỏi thăm bà Lucie Aubrac và các cháu, nhất là Elizabeth. Ông Aubac đã chuyển món quà tặng của Elizabeth là một quả trứng bằng đá quý đến Hồ Chí Minh.[26]

Ngày 19 tháng 5 năm 1951, gia đình ông bà Walter R. Hartmann sinh sống ở số nhà 13, phố Ernst Thalman, thành phố Potsdam, hạt Sachs, Đông Đức sinh hạ bé trai Knuth Wolfgang Walther Hartmann. Do thấy ngày, tháng sinh của Knuth ngẫu nhiên trùng với ngày sinh của Hồ Chí Minh, ông bà Walter R. Hartmann đã gửi thư cho Hồ Chí Minh đề nghị ông nhận Knuth làm con đỡ đầu. Ngày 15 tháng 9 năm 1951, Hồ Chí Minh đã gửi thư đến gia đình Walter R. Hartmann. Thư có đoạn viết: "Tôi thân ái mừng bà và ông vừa có cháu trai là Knuth Wolfgang Walther Hartmann. Tôi cảm ơn bà và ông đã gửi thư và ảnh cho tôi. Và tôi rất vui lòng nhận cháu làm con đỡ đầu. Tôi gởi biếu cháu một bức ảnh nhỏ và một đồng Việt Nam để làm kỷ niệm".[27]

Hồ Chí Minh, bé Elizabette Aubrac (trái) và bà Lucie Aubrac (phải). Paris-12/9/1946

Mùa xuân năm 1958, tại thành phố Jukovski (ngoại ô Moskva), bà y sĩ Anna Vasilievna là vợ của nhà báo hãng APN (Liên Xô) Dimitri Grigorievich Kolosov (bút danh Denis) sinh con gái là Irina Dimitrievna (tên thân mật là Idrishka). Dù chưa một lần được gặp Hồ Chí Minh nhưng ông bà Kolosov đã viết thư đề nghị Hồ Chí Minh nhận làm cha đỡ đầu cho con gái đầu lòng của họ theo phong tục tốt đẹp của nước Nga. Mùa hè năm 1958, ông bà Kolosov nhận được thư trả lời của Hồ Chí Minh: "Cô An-na Xta-xi-a Va-xi-lép-na và chú Đi-mi-tơ-ri Gơ-ri-gô-rê-vích thân mến! Tôi đã nhận được thư của cô chú và chân thành cảm ơn cô chú đã mời tôi làm cha đỡ đầu cho con gái của cô chú."[28]

Sau này, những người con đỡ đầu của Hồ Chí Minh đều trưởng thành và có những thành đạt nhất định trong cuộc sống. Elizabeth Aubrac trở thành giáo viên. Knuth Wolfgang Walther Hartmann trở thành kỹ thuật viên chăn nuôi bò sữa. Còn Irina Dimitrievna Kolosov phục vụ trong ngành công an, rồi cùng chồng là Igo Tribisov, cán bộ ngành hàng không dân dụng đến làm việc trong một doanh nghiệp khai thác dầu khí ở Tiumen (Tây Siberi).[29][30]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Gia_đình_Hồ_Chí_Minh http://www.sdfao.gov.cn/art/2009/12/4/art_54_3563.... http://books.google.com/books?id=XPMt03ckruUC&pg=P... http://books.google.com/books?id=fJtqjYiVbUAC&pg=R... http://www.bbc.co.uk/vietnamese/entertainment/stor... http://www.bbc.co.uk/vietnamese/regionalnews/story... http://www.cinet.vn/?ctl=usc_NewsViewsdetail&zonei... http://www.baobinhdinh.com.vn/ThiHoChiMinh/2005/3/... http://books.google.com.vn/books?id=1wjfay1cF8YC&p... http://www1.laodong.com.vn/sodara/xuan2004/vanhoa/... http://www.tapchihuongnghiep.com.vn/PrintPreview.a...